BAN ÂM NHẠC - VOV3
FM 102.7MHz
Chi tiết bài viết
KÝ ỨC ĐIỆN BIÊN
Âm nhạc với Cuộc sống
Thứ tư, 15:29, 24/04/2024
Xuân Kỳ
[VOV3] -Một sáng tác mới của Nhạc sĩ Kấn Tùng Lâm- Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/05/1954-07/05/2024. (Nghe chương trình ấn Play)
V3 TRÒ CHUYỆN VỚI NS KẤN TÙNG LÂM
V3 TRÒ CHUYỆN VỚI NS KẤN TÙNG LÂM
V3 KÝ ỨC ĐIỆN BIÊN - CA SĨ ANH PHONG
V3 KÝ ỨC ĐIỆN BIÊN - CA SĨ ANH PHONG
V3 HỘI XUÂN HÁT GHẸO - TỐP NỮ ĐÀI TNVN
V3 HỘI XUÂN HÁT GHẸO - TỐP NỮ ĐÀI TNVN

PV: Trước hết xin cảm ơn nhạc sĩ đã dành thời gian cho VOV3, và bây giờ nhạc sĩ có thể kể câu chuyện của Ký ức Điện Biên được không ạ?

NS Tùng Lâm: Xin chào Vov3,  ca khúc Ký ức Điện Biên là cảm xúc riêng tư của tôi đối với vùng đất lịch sử này. Thực tế, tôi cũng đã đi diễn, cũng đi công tác nhiều lần tại Điện Biên rồi cũng qua thăm cánh đồng Mường Thanh, nơi tướng De Castries đã hàng quân Việt Minh rồi cũng đi thăm tượng đài chiến thắng, đồi A1 … những nơi trận Điện Biên năm xưa diễn ra hết sức ác liệt . Tất cả điều đó đã làm nên những chiến thắng hào hùng của dân tộc Việt Nam và từ cảm xúc đó, tôi viết ca khúc Ký ức Điện Biên thay lời lời tri ân của tôi đối với thế hệ đi trước, lớp cha, lớp chú, lớp ông , những người chiến sĩ năm xưa đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

PV: Ca khúc là lời tự sự, ở đây vai của người nhạc sĩ là một người cháu đi cùng với ông mình đến thăm Điện Biên, tại sao anh lại lấy tứ này để triển khai?

NS Tùng Lâm: Thế hệ của chúng tôi sinh ra lúc đấy đất nước mình vẫn còn đang kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng, bản thân là một người nhạc sĩ lớp sau, mình tư duy là kỷ niệm 70 năm Điện Biên, cũng phải viết cho lớp trẻ hiểu và hát.Chiến thắng Điện Biên đã qua rồi, lúc ấy mình tư duy đi cùng có thể là người ông hoặc là người cha, người chú mình, còn lớp sau nữa là người cháu đi với người ông. Tôi đã hóa thân vào đấy để viết ra ca khúc mang tính chất tráng ca, nhưng nó lại là câu chuyện tự sự của một người ông, để kể lại cho con cháu nghe, để đời đời sau phải nhớ lấy chiến tích của cha ông mình để lại. Ca khúc hướng tới lớp trẻ để tôn vinh truyền thống tốt đẹp, sự hy sinh anh dũng, sự cống hiến cho Tổ quốc của lớp cha ông mình để đời đời người Việt Nam sẽ ghi nhớ mãi chiến thắng này.

PV: Thưa nhạc sĩ, nhạc sĩ đã dùng âm nhạc như thế nào để chuyển tải nội dung như nhạc sĩ vừa chia sẻ?

NS Tùng Lâm: Ca khúc có hai đoạn đơn, đoạn đơn thứ nhất tôi dùng chất liệu tự sự để nhắc lại những sự hy sinh, mất mát, những cái kỷ niệm xưa của người ông. Sang phần đoạn đơn thứ hai thì đẩy lên thêm cao trào, nhắc lại những thời điểm, không gian mà bộ đội ta ở Điện Biên kéo pháo vào kéo pháo ra , các đoàn dân công , người lính hành quân đi, rồi những gian khổ hy sinh ấy để làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu. Ca khúc ở tông Rê trưởng tôi viết thêm đoạn B phẩy để mình nâng tiếp lên một cung nữa là Mi trưởng, để cho nó tươi sáng lên và có sự hào hùng trong âm nhạc thể hiện sự kỳ vọng vào những điều tốt đẹp sau này.

PV: Bản phối này do nhạc sĩ thực hiện phải không ạ?

NS Tùng Lâm: Bản thân tôi thì cũng thuận lợi,  vừa là nhạc sĩ sáng tác đồng thời cũng phối khí luôn, sau đó nhờ ca sĩ Anh Phong The Voice 2017 hát . Mình thấy ca sĩ Anh Phong hát rất hợp bài này , cũng có thêm tốp nam nữ phụ họa ở phần Vocal và thêm các bè mà mình cài thêm vào đấy để thêm những hiệu ứng của IDM nữa, tạo sự tươi sáng ở phần kết thúc cho hoành tráng, thể hiện một chiến thắng rực rỡ của dân tộc Việt Nam.

PV: Điều đó có thể lý giải phong cách của ca khúc dù mang tính chất tự sự, kể câu chuyện xúc động về chiến thắng Điện Biên, nhưng lại bằng âm hưởng đương đại, cũng như anh đã nói viết cho lớp trẻ cảm nhận và hát, phải không ạ?

NS Tùng Lâm: Vâng! thực ra tôi luôn hướng tới âm nhạc đương đại, trong âm nhạc của Việt Nam bây giờ nếu có sự kết hợp khéo léo, mang hồn cốt Việt Nam, nhưng âm nhạc mang tính đại chúng, điều đó khiến tác phẩm dễ tiếp cận với thính giả, với khán giả, người nghe nhiều hơn. Tại sao bây giờ chúng ta đang sống ở trong thời kỳ đất nước phát triển như thế này, hội nhập quốc tế sâu rộng, mà chúng ta lại không làm điều đó? Vì vậy việc lựa chọn âm hưởng đương đại để phối khí, sáng tác luôn là điều tôi muốn hướng tới.

PV: Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ Kấn Tùng Lâm.

 

Bài viết cùng chủ đề